Trang tuyển sinh

CÔNG BỐ QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2025: NHIỀU ĐIỂM MỚI

Đăng lúc: 21/03/2025 (GMT+7)
100%

Bỏ xét tuyển sớm, công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển, không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển… là những điểm mới trong xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025.

 Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 06/2025 sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, áp dụng từ năm 2025. Theo đó, thông tư có nhiều điểm mới. 

Bỏ xét tuyển sớm

Bắt đầu từ năm 2025, tất cả hình thức xét tuyển đều phải tuân theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nếu xét tuyển bằng kết quả học tập cấp THPT, các trường bắt buộc phải sử dụng kết quả học cả năm lớp 12, đồng thời quy định trọng số tối thiểu 25% của điểm xét tuyển từ kết quả này.

Công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển 

Các trường có nhiều phương thức tuyển sinh phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức và công bố công khai theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Điều này nhằm tránh chênh lệch quá lớn giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là tình trạng điểm học bạ thấp hơn đáng kể so với điểm thi THPT. Quy tắc này phải được công bố cùng thời điểm với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, giúp thí sinh có đủ thông tin để lựa chọn nguyện vọng.

Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh không cần chọn mã phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ tự động xét tuyển theo phương thức có kết quả cao nhất của thí sinh, giúp giảm tải và tăng cơ hội trúng tuyển.

Không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển

Từ năm 2025, do chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi, Bộ GD&ĐT bỏ giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành, chương trình đào tạo. Trước đây, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quy chế yêu cầu tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó toán hoặc ngữ văn chiếm ít nhất 25% trọng số.

 Đặc biệt, từ năm 2026, số môn chung giữa các tổ hợp phải chiếm ít nhất 50% trọng số xét tuyển, đảm bảo tính đồng nhất trong đánh giá năng lực thí sinh. 

Sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp để quy đổi

Theo Bộ GD&ĐT, vài năm qua, có thực trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ trong quá trình xét tuyển, thậm chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như là tiêu chí quyết định đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh; trong khi đó, việc tiếp cận để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ có sự khác biệt giữa học sinh các vùng, miền.

Do vậy, quy chế mới quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.

Với quy định này, thí sinh vẫn có thể sử dụng tối đa thế mạnh của mình để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng vẫn bảo đảm công bằng.

Tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét

Bên cạnh thực trạng có thể mất công bằng trong tuyển sinh do lạm dụng xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, việc quy định tổng điểm cộng (điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích) đối với các thành tích, các chứng chỉ khác nhau của thí sinh (quá) lớn cũng có thể dẫn tới mất công bằng với các thí sinh không có điểm cộng (vì lý do khách quan, không phải vì năng lực) cùng xét tuyển.

Vì vậy, quy chế đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển.

0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN